Người mua nhà vì đâu mà mãi khổ?
Hàng loạt dự án đắp chiếu, chậm tiến độ không chỉ làm tan
giấc mơ về một nơi an cư của hàng trăm khách hàng mà còn kéo họ vào một cuộc
chiến kéo dài dai dẳng.
Dự án PetroVietnam Landmark
khởi công từ năm 2009 đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện
Đòi nhà trong vô vọng
Đến hẹn lại lên, những cuộc chiến đòi nhà giữa khách hàng và chủ
đầu tư lại tiếp tục bùng nổ đầu năm 2017.
Đình đám nhất là câu chuyện tại dự án PetroVietnam Landmark
(quận 2) do Công ty cổ phần BĐS Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) làm chủ đầu
tư. Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2009 nhưng sau đó lại đứng im mặc
dù đã thực hiện được khoảng 80% tiến độ. Hàng trăm khách hàng đã đóng trên 90%
giá trị căn hộ nhưng suốt nhiều năm liền không nhận được nhà. Từ đó những cuộc
chiến đòi nhà đã diễn ra dai dẳng kéo dài cho tới nay.
Khoảng nửa cuối năm 2016, dự án này rục rịch tái khởi động,
những hi vọng của khách hàng được nhen nhóm. Nhưng mới đây, Chi cục thi hành án
quận 2 ra quyết định phong tỏa hơn 15.000m2 đất tại dự án. Tiếp đến Tòa án Nhân
dân TP.HCM cũng quyết định mở thủ tục phá sản với chủ đầu tư PVC Land theo yêu
cầu của một khách hàng. Số phận của dự án này tiếp tục bỏ ngõ.
Câu chuyên tương tự cũng xảy ra với hàng trăm khách hàng mua nhà
tại dự án 584 Lilama SHB Building (Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú). Dự án này
do Công ty Công trình giao thông 584 cùng với Lilama SHB phối hợp đầu tư. Dự
án cam kết hoàn thành và bàn giao nhà cho khách hàng năm 2011 nhưng đến
nay toàn bộ công trình này vẫn chỉ là những khối bê tông dang dở. Khách hàng
tại đây cũng đã đấu tranh đòi nhà suốt nhiều năm nhưng vẫn vô vọng.
Một dự án khác của Công ty 584 đầu tư tại huyện Bình Chánh là
584 Tân Kiên cũng khiến người mua khốn khổ vì ngưng thi công nhiều năm trời.
Mặc dù người mua đã thanh toán cho chủ đầu tư trên 90% giá trị căn hộ.
Ngoài những dự án trên thì cuộc chiến đòi nhà cũng diễn ra tại
nhiều dự án khác như Cao ốc xanh (quận 9), dự án Gia Phú (Thủ Đức) hay Vạn Phát
Hưng (quận 8), Happy Plaza (Bình Chánh)….
Vì đâu nên nỗi?
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất đông sản chia sẻ, đa phần các
dự án gặp khó khăn trên đều là những dự án được khởi công trong thời điểm thị
trường còn sốt nóng nhưng sau đó lại bị ngưng trệ do thị trường đột ngột đóng
băng.
“Tại thời điểm thị trường bất động sản sốt nóng nhiều chủ đầu tư
đã huy động vốn của khách hàng nhưng lại đầu tư dàn trải, thu tiền của khách
hàng tại dự án này nhưng lại đem đầu tư dự án khác. Đến khi thị trường khó khăn
khiến chủ đầu tư mất khả năng, dự án ngưng trệ và khách hàng là người chịu
thiệt”, chuyên gia này cho biết.
Để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, Luật Kinh doanh bất động
sản 2014 có hiệu lực từ này 1/7/2015 đã quy định các dự án muốn bán nhà hình
thành trong tương lai thì phải được bảo lãnh của ngân hàng. Trong trường hợp
chủ đầu tư gặp khó khăn, dự án ngưng thi công, chậm tiến độ thì ngân hàng sẽ
đứng ra đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Mặc dù quy định như vậy, nhưng trong thực tế để biết được dự án
nào đã được hoặc chưa được bảo lãnh ngân hàng là điều không dễ dàng. Đã có
không ít trường hợp dự án quảng cáo bán nhà rầm rộ, đã được ngân hàng bảo lãnh
nhưng khi khách hàng hỏi thì lại không chứng minh được.
Anh Hưng, một người mua nhà cho biết, anh đang dự định mua căn
hộ tại một dự án trên địa bàn quận 8, chủ đầu tư có quảng cáo là đã được ngân
hàng bảo lãnh nhưng khi anh Hưng hỏi nhân viên bán hàng cho xem chứng thư bảo
lãnh thì người này từ chối và hứa sẽ cho xem sau.
“Rất khó để khách hàng tự biết được dự án nào đã được ngân hàng
bảo lãnh hay chưa. Do đó, cần phải có một cơ quan nào đó thống kê và công khai
danh sách để cho khách hàng có thể tham khảo nguồn tin chính thống”, anh Hưng
đề xuất.
Đất còn trống trơn, nhà bán sạch trơn
Một nguyên nhân khác khiến cho dự án chậm tiến độ đó là việc chủ
đầu tư lách luật, thi công không đúng thiết kế phê duyệt, thậm chí xây dựng khi
chưa có giấy phép. Những sai phạm này khi bị phát hiện sẽ bị cơ quan chức năng
đình chỉ thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng.
Đặc biệt, hiện nay rất phổ biến tình trạng dự án chưa đủ điều
kiện mở bán nhưng vẫn công khai bán hàng và huy động vốn tiềm ẩn rủi ro rất
lớn.
"Hiện có không ít dự án chỉ mới công bố thông tin, chưa đủ
điều kiện mở bán nhưng môi giới vẫn bán hàng rất tốt. Nhiều khu đất trống
trơn, chưa đóng một cây cột nào chỉ mới dựng tấm bảng nhưng đã thông báo bán
gần hết hàng", Giám đốc một công ty bất động sản cho biết.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, tình
trạng chủ đầu tư huy động vốn và sử dụng sai mục đích cũng là nguyên nhân khiến
cho nhiều dự án thi công dở dang, đắp chiếu. Do đó, để tránh tình trạng này,
khi huy động vốn của khách hàng thì chủ đầu tư cần phải để vào một tài khoản
riêng có sự giám sát của người mua. Mọi hoạt động thu chi phải rõ ràng, toàn bộ
tiền đóng vào tài khoản này chỉ để phục vụ xây dựng dự án đó chứ không được sử
dụng vào mục đích khác.
Theo cafeland
Leave a Comment